Vừa qua, tại Sở KH&CN Bình Phước, Hội đồng Sáng kiến tỉnh Bình Phước đã họp xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, năm học 2015-2016 (đợt 3). Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng, Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Tổ Thư ký Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh, trong năm học 2015 - 2016, Sở KH&CN đã tiếp nhận 383 hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh thuộc lĩnh vực GD&ĐT. Tại kỳ họp Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh diễn ra vào ngày 03/11/2016 (đợt 1) và ngày 29/12/2016 (đợt 2), Hội đồng đã xem xét được 165 giải pháp và đã bỏ phiếu công nhận 16 sáng kiến cấp tỉnh. Hiện nay còn lại 218 giải pháp đã được Tổ Thư ký tổng hợp và lấy ý kiến từ các tổ viên Tổ chuyên môn và một số chuyên gia, trình Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh trong đợt 3 này.

Theo đánh giá của Tổ Thư ký, các giải pháp trình ra Hội đồng trong đợt này đa số vẫn không đảm bảo về tính mới, hiệu quả áp dụng chưa thuyết phục và còn mang tính chủ quan của tác giả.

Ông Nguyễn Minh Quang - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, để có cơ sở tham mưu Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh, Sở KH&CN đã thành lập được Tổ Chuyên môn với các tổ viên là các chuyên gia có trình độ cao, giàu kinh nghiệm và thành tích trong lĩnh vực áp dụng sáng kiến, để hỗ trợ phân tích, đánh giá các giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Sở KH&CN cũng đã tham khảo ý kiến nhận xét của một số chuyên gia khác để có cơ sở đưa ra kết quả đánh giá một cách khách quan nhất. Theo kết quả tổng hợp của Tổ Thư ký, có 7 giải pháp được đề xuất công nhận sáng kiến cấp tỉnh, 194 giải pháp không được công nhận do không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, còn lại 17 giải pháp do còn có một số ý kiến khác nhau giữa các chuyên gia nên đề nghị Hội đồng thảo luận để thống nhất kết quả đánh giá.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổ Thư ký và kết quả đánh giá của Tổ Chuyên môn; đồng thời đưa ra những nhận xét cụ thể đối với 17 giải pháp còn có những ý kiến khác nhau giữa một số chuyên gia. Theo đó, đa số các thành viên Hội đồng đều thống nhất cho rằng, đối với những giải pháp có biểu hiệu sao chép giải pháp của tác giả khác trên mạng Internet thì dù ít hay nhiều cũng không nên công nhận; đồng thời cũng không công nhận những giải pháp nào thuộc về nhiệm vụ chuyên môn của tác giả phải thực hiện. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng chia sẻ với thực trạng của ngành GD&ĐT hiện nay là đang chịu áp lực lớn khi công tác xét thi đua - khen thưởng, đánh giá cán bộ, viên chức giáo dục hàng năm đều gắn với sáng kiến. Tuy nhiên, những giải pháp được đề nghị công nhận sáng kiến thì bắt buộc phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Điều lệ Sáng kiến.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo kết quả bỏ phiếu của các thành viên Hội đồng, có 18/218 giải pháp được công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Như vậy, trong năm học 2015 - 2016, có tổng số 34/383 giải pháp được công nhận sáng kiến cấp tỉnh, chiếm tỷ lệ gần 9%.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng đã ghi nhận kết quả bỏ phiếu và nhấn mạnh: tỷ lệ sáng kiến trong năm học này được Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh công nhận rất thấp cho thấy kết quả xét công nhận sáng kiến ở dưới cơ sở chưa thật sự chất lượng, vẫn còn có một số giải pháp có biểu hiện sao chép từ các tài liệu đã có trên mạng Internet, nhiều giải pháp thuộc về nhiệm vụ chuyên môn phải thực hiện nhưng vẫn được công nhận sáng kiến ở cơ sở; số lượng sáng kiến gửi lên cấp tỉnh tuy nhiều nhưng chưa có sự chọn lọc nên chưa thực sự tiêu biểu để được đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh.

Do đó, trong thời gian tới Phó Chủ tịch BND tỉnh Huỳnh Thị Hằng đề nghị ngành GD&ĐT cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chấn chỉnh hoạt động xét công nhận sáng kiến ở cơ sở để những sáng kiến được công nhận phải thực sự khách quan, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.