Hội làm vườn huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) vừa chính thức đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn” từ Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Được trồng trên các thung lũng, sườn đồi của huyện Bắc Sơn nên những trái quýt nơi đây vỏ màu vàng tươi, hương thơm đặc trưng và vị ngọt thanh mát hiếm có.

Doanh thu hơn 40 tỷ đồng mỗi năm từ trái quýt

Cầm trên tay quả quýt được dán tem “Quýt vàng Bắc Sơn Lạng Sơn” với ba màu chủ đạo là vàng, xanh, trắng, bà Dương Thị Tám, thôn Lân Vi – xã Chiến Thắng huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) hiện đang sở hữu 500 gốc quýt đang ở độ thu hoạch và được bán tại địa phương với giá 25.000 đồng/kg, không giấu nổi niềm vui vì từ nay những trái quýt Bắc Sơn khi đưa ra thị trường đã có thương hiệu. Tới đây, bà sẽ chọn những quả đẹp nhất đăng ký dán tem và đóng thùng để bán với giá cao hơn.

Ông Dương Hữu Vương ở thôn Đông Đằng II - xã Bắc Sơn có 800 gốc quýt cho biết, huyện Bắc Sơn có đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện sinh thái cần thiết để tạo ra thứ quýt ngon với vỏ màu vàng tươi, hương thơm đặc trưng và vị ngọt thanh mát hiếm có. Vì vậy, chỉ cần bón phân hữu cơ đã để hoai mục, không bón các loại phân hóa học nên về chất lượng và độ an toàn được đảm bảo.

Cây Quýt vàng Bắc Sơn đã được trồng từ lâu đời. Đến nay, toàn huyện Bắc Sơn đã có trên 490 ha quýt, trong đó diện tích quýt cho thu hoạch khoảng 350 ha, với năng suất đạt từ 4-5 tấn quả/ha, tổng sản lượng khoảng 1.400 -1.700 tấn/năm đem lại tổng giá trị cho người trồng quýt trên 40 tỷ đồng/năm.

Những quả quýt vàng Bắc Sơn căng mọng đã được dán tem. Ảnh: Anh Sa

Việc “nhãn hiệu tập thể Quýt vàng Bắc Sơn được bảo hộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường; thúc đẩy phát triển kinh tế của người sản xuất, kinh doanh Quýt vàng Bắc Sơn. Sản phẩm Quýt vàng Bắc sơn là nhãn hiệu tập thể đầu tiên trên địa bàn huyện được đón nhận văn bằng bảo hộ. Đây là tiền đề để huyện Bắc Sơn tiếp tục xây dựng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản khác có thế mạnh của huyện”, bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn nhấn mạnh.

Đồng thời, bà cũng cho rằng, việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể Quýt vàng Bắc Sơn còn giúp huyện xây dựng hệ thống văn bản quản lý, quy định sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm quýt mang nhãn hiệu tập thể Quýt vàng Bắc Sơn từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm.

Còn theo ông Vũ Văn Hoạch – Chủ tịch Hội làm vườn huyện Bắc Sơn, Hội hiện nay mới chỉ có 74 hội viên tham gia với diện tích khoảng 100 ha, các hộ là hội viên của Hội thường là các hộ có diện tích lớn và sản lượng cao và sản phẩm của họ thường được bán ở các tỉnh khác như Thái Nguyên, Hà Nội...

Trong thời gian tới, Hội làm vườn sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ nông dân trồng quýt trên địa bàn huyện gia nhập Hội để có thể nhận được sự hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm và chủ động tiến hành các biện pháp chống lại các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể Quýt vàng Bắc Sơn.

Ngoài ra, để giữ vững và nâng cao giá trị của Quýt vàng Bắc Sơn, tới đây Hội làm vườn Bắc Sơn sẽ nhân rộng mô hình sản xuất theo quy trình VietGap tới các hội viên. Với mục đích đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh tế của sản phẩm, giúp bà con tiêu thụ ổn định.


Ứng dụng tiến bộ tăng độ ngọt - giảm tỷ lệ hạt

Trái quýt Bắc Sơn được phát triển ở các thung lũng núi đá nên có hương thơm dịu mát đặc trưng mà không thể lẫn với bất kỳ loại quýt nào khác. Tuy nhiên, vị ngọt của trái quýt vẫn chưa được đánh giá cao và tỷ lệ hạt trong mỗi quả khá nhiều.

Để phát triển giống quýt Bắc Sơn thành một sản phẩm hàng hóa chủ lực, ông Vi Đình Thiện – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Sơn cho biết, tới đây địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Rau quả - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam để nghiên cứu ra giống quýt có độ ngọt cao hơn và giảm lượng hạt trong quả; đồng thời phối hợp với Trường ĐH Khoa học – ĐH Thái Nguyên triển khai nghiên cứu và chuyển giao công nghệ bảo quản quả Quýt vàng Bắc Sơn, trong đó có việc ứng dụng màng nano bạc, không chỉ nâng cao chất lượng mà còn kéo dài thời gian sử dụng trái quýt, đáp ứng nhu cầu của thị trường Tết Âm lịch.

Bà Hà cũng mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các chương trình nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà tỉnh đã và đang triển khai để ngoài sản phẩm quýt vàng, tỉnh Lạng Sơn sẽ có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế cao.