Vừa qua, Sở KH&CN Bắc Kạn đã tổ chức Kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và Hội thảo chuyên đề Xây dựng Quy chế nhân rộng kết quả nghiên cứu các đề tài/dự án KH&CN.

Các đại biểu dự Kỷ niệm và Hội thảo đã ôn lại truyền thống, ý nghĩa của Ngày KH&CN Việt Nam 18/5; nghe báo cáo kết quả hoạt động KH&CN năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Trong năm qua tiếp tục triển khai 40 đề tài, dự án KH&CN nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo bước chuyển biến tích cực, gia tăng giá trị đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Nhiều kết quả của các đề tài/dự án đã góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Có thể kể đến các dự án như: Phát triển sản xuất giống lúa nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn; dự án Sản xuất giống cây Hồng phục vụ cho chương trình phát triển vùng hồng của tỉnh; Nghiên cứu khả năng thích ứng của một số giống thuốc lá tại tỉnh Bắc Kạn; Dự án Xây dựng mô hình trồng thuốc lá vụ thu - đông tại Chợ Mới; dự án Xây dựng mô hình trồng cam Xã Đoài; Phát triển Cam Quýt cho đồng bào người Dao tại xã Thượng Ân (huyện Ngân Sơn); Xây dựng mô sản xuất quýt theo hướng VietGap… Ngoài ra, các đề tài, dự án Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa bước đầu đã được quan tâm, tạo môi trường sản xuất ổn định và hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Các lĩnh vực y tế, khoa học kỹ thuật cũng được quan tâm triển khai nhiều đề tài như: Dự án: Xây dựng vườn mẫu thuốc nam góp phần tuyên truyền, quảng bá việc sử dụng các cây thuốc cổ truyền trong điều trị một số bệnh thông thường, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân đạt hiệu quả, tiết kiệm tiền chi phí; Đề tài Nghiên cứu chất thủy hóa vô cơ (HRB) trong làm đường nông thôn, đã kiến nghị được giải pháp làm đường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đường nông thôn, giảm giá thành công trình v.v.

Các đại biểu đã thảo luận nhất trí đánh giá các kết quả đạt được của công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong những năm qua. Nhiều kết quả nghiên cứu, chuyển giao đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên còn một số đề tài dự án sau khi được nghiệm thu, đánh giá nhưng không nhân rộng được trong trong thực tiễn, hoặc khả năng ứng dụng nhân rộng thấp, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân là tỉnh chưa ban hành được Quy chế nhân rộng các kết quả đề tài dự án để các ngành, các địa phương thực hiện, vì thế việc tổ chức Hội thảo để tham vấn các ý kiến đóng góp của các địa phương và các ngành là cần thiết, là cơ sở để cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành chỉ đạo nhân rộng các kết quả khi đề tài/dự án kết thúc… Các đại biểu cũng đã cho ý kiến để cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện Quy chế trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh đã ghi nhận, đánh giá cao các nhà khoa học, đội ngũ tri thức, các nhà sáng chế không chuyên trên địa bàn tỉnh nói chung, ngành KH&CN nói riêng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua. Một số sản phẩm lúc mới tái lập tỉnh chỉ là tự cung, tự cấp đến nay đã trở thành hàng hóa như cam, quýt, hồng không hạt, dong riềng… Đồng chí đề nghị Sở KH&CN cần đánh giá cụ thể hơn nữa về sự đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với Quy chế nhân rộng kết quả nghiên cứu các đề tài/dự án KH&CN đồng chí đề nghị Sở KH&CN cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện văn bản dự thảo để trình UBND tỉnh ban hành thực hiện…