Mới đây, Hội đồng KH&CN chuyên ngành cấp tỉnh do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa làm Chủ tịch đã tổ chức Hội nghị tư vấn giao trực tiếp 3 đề tài/dự án khoa học gồm:

Đề tài “Xây dựng mô hình phục tráng bí xanh thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt”, dự án “Ứng dụng KH&CN trồng và bao tiêu sản phẩm cây cà gai leo tại tỉnh Bắc Kạn”, dự án “Ứng dụng KH&CN trong bảo quản và chế biến nhằm đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm chuối tây Bắc Kạn”.


Đề tài “Xây dựng mô hình phục tráng bí xanh thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt” do Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chủ trì thực hiện.

Bí xanh thơm là giống cây trồng đặc sản của huyện Ba Bể, vùng sản xuất đã tạo thành hàng hóa góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, do không được cải tạo giống nên hiện nay, giống bí này đang có nguy cơ thoái hóa về đặc tính. Đề tài đưa ra mục tiêu: Phục tráng lại giống bí xanh thơm Ba Bể; xây dựng mô hình sản xuất giống bí xanh thơm Ba Bể; chuyển giao được mô hình sản xuất và quản lý giống bí xanh thơm Ba Bể cho địa phương. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, đề tài triển khai 4 nội dung, gồm: Điều tra, đánh giá tình hình sản xuất bí xanh thơm Ba Bể và thu thập nguồn vật liệu; nghiên cứu phục tráng giống bí xanh thơm Ba Bể; xây dựng mô hình sản xuất giống bí xanh thơm Ba Bể và tập huấn chuyển giao kỹ thuật.

Các thành viên Hội đồng đề nghị cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài tập trung vào mục tiêu và nội dung chính là phục tráng giống bí thơm xanh Ba Bể. Các mục tiêu về tổ chức sản xuất, hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm sẽ do địa phương thực hiện. Để hoàn thành mục tiêu và nội dung của đề tài, Hội đồng chuyên ngành đồng ý thời gian thực hiện đề tài trong 3 năm, từ tháng 6/2019 - 6/2022.

Dự án “Ứng dụng KH&CN trồng và bao tiêu sản phẩm cây cà gai leo tại tỉnh Bắc Kạn” do Công ty cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng chủ trì thực hiện.

Dự án thực hiện trong thời gian 2 năm (2019 - 2021) nhằm mục tiêu chung là xây dựng được mô hình sản xuất dược liệu cà gai leo đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của tổ chức y tế thế giới (GACP), tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân tại xã Như Cố, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới. Việc triển khai dự án từng bước hình thành liên kết từ trồng, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với cây dược liệu nói chung và cây cà gai leo nói riêng.

Các thành viên Hội đồng đề nghị cơ quan chủ trì bổ sung thêm thông tin các nghiên cứu về cây cà gai leo ở trong nước, trong tỉnh, làm rõ tại sao lại chọn Bắc Kạn là điểm triển khai dự án, so sánh hiệu quả kinh tế của loại cây Cà gai leo với một số loại cây trồng khác, đánh giá về năng lực của hai đơn vị phối hợp là Hợp tác xã thanh niên Như Cố và Hợp tác xã Tân Sơn, cam kết của công ty trong việc bao tiêu, thu mua sản phẩm, sắp xếp lại các nội dung thực hiện đảm bảo tính khả thi.

Dự án “Ứng dụng KH&CN trong bảo quản và chế biến nhằm đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm chuối tây Bắc Kạn” do Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chủ trì thực hiện.

Mục tiêu chung của dự án là ứng dụng KH&CN trong bảo quản và chế biến các sản phẩm từ chuối tây từ đó tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao giá trị sản phẩm của chuối và các sản phẩm từ chuối cho tỉnh Bắc Kạn. Trong thời gian 2 năm thực hiện (2019 - 2021), dự án sẽ triển khai các nội dung: Điều tra đánh giá hiện trạng và cải tạo vùng nguyên liệu; nghiên cứu cải tiến công nghệ chế biến và sản xuất quy mô công nghiệp; hoàn thiện chuỗi giá trị từ chuối; đào tạo, tập huấn về chuỗi giá trị.

Để hoàn thành mục tiêu, nội dung dự án, các thành viên Hội đồng đề nghị phần tổng quan cần đánh giá thực trạng cây chuối tây trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, năng lực sản xuất, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã Tân Dân, những khâu còn hạn chế cần sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất. Phần luận giải vấn đề cần nghiên cứu đánh giá và so sánh hiệu quả của cây chuối với một số loại cây trồng khác; bổ sung nội dung xây dựng, hoàn thiện mã vùng Bắc Kạn đối với sản phẩm này nếu thực hiện được.

Kết luận tại 3 Hội đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh đánh giá cao công tác chuyển bị hồ sơ của các đơn vị chủ trì, chủ nhiệm đề tài dự án, đồng thời chỉ rõ những nội dung cần bổ xung, chỉnh sửa và đề nghị trên cơ sở góp ý của các thành viên hội đồng cơ quan chủ trì đề tài, dự án hoàn thiện đề cương gửi về Sở KH&CN để thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện trong tháng 6/2019.