Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn vừa thành lập đoàn kiểm tra do ông Đỗ Tuấn Khiêm - Giám đốc Sở làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra tiến độ dự án “Xây dựng mô hình sản xuất quýt bền vững theo hướng VietGAP tại Bắc Kạn”.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn, ngoài ông Đỗ Tuấn Khiêm, đoàn kiểm tra còn có các phòng chuyên môn, đại diện chính quyền các địa phương triển khai dự án.

Sau khi nghe cơ quan chủ trì dự án, chính quyền địa phương báo cáo kết quả thực hiện và kiểm tra thực tế tại vườn quýt, các hộ dân tham gia xây dựng mô hình cho biết đã được cán bộ chỉ đạo kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch. Bên cạnh đó, họ còn được hướng dẫn các hộ quét vôi gốc, cắt tỉa cho cây quýt sau thu hoạch.

Đoàn kiểm tra mô hình tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông.

Tính đến thời điểm này, mô hình sản xuất quýt bền vững theo hướng VietGAP đã được triển khai tại xã Quang Thuận, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông với diện tích 20 ha; xã Rã Bản huyện Chợ Đồn với 6 hộ dân tham gia diện tích 10 ha.

Các hộ dân cho biết, khi áp dụng các quy trình kỹ thuật VietGAP cây sinh trưởng phát triển tốt, năng suất tăng 15-20%, mẫu mã quả đẹp hơn so với khi chưa áp dụng mô hình. Tỷ lệ quả loại 1 đạt 80% giá bán trung bình 15.000-18.000 đồng/kg, loại 2 đạt 15% giá bán trung bình 12.000-14.000 đồng/kg, quả loại 3 đạt 5% giá bán trung bình 10.000-12.000 đồng/kg. Đặc biệt, khi thực hiện mô hình đã giảm được 25-30% chi phí thu hái, vận chuyển.

Trong buổi làm việc, đoàn kiểm tra đề nghị các hộ dân tiếp tục chăm sóc vườn quýt theo kỹ thuật đã được hướng dẫn, thực hiện việc mở sổ theo dõi quy trình sản xuất. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vận động bà con nông dân tiếp tục nhân rộng mô hình để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Đối với cơ quan chủ trì dự án cử cán bộ tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân về kỹ thuật bón phân, triển khai các nội dung theo kế hoạch đã được duyệt.