Vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, mỳ Kế, và gà đồi Yên Thế là bốn nhãn hiệu nông sản của Bắc Giang được nhận văn bằng bảo hộ ở nước ngoài, trong đó có những thị trường lớn như Mỹ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Ngày 15/5/2018, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang đã tổ chức lễ công bố trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong nước và nước ngoài một số sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Giang .

Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang - cho biết, hiện Bắc Giang có tổng cộng 683 nông sản được cấp văn bằng bảo hộ trong và ngoài nước, trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn; 4 nhãn hiệu chứng nhận cho Gà đồi Yên Thế, Bưởi Hiệp Hòa, Miến dong Sơn Động và Chè Yên Thế; 41 nhãn hiệu tập thể; và 637 nhãn hiệu thông thường.

Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty cổ phần Giang Sơn - giới thiệu với khách tham quan các sản phẩm của gà đồi Yên Thế (gà làm sạch và giò gà). Ảnh: Đoàn Dung

Đặc biệt, ngoài việc được bảo hộ trong nước, 4 sản phẩm nông sản của Bắc Giang đã được bảo hộ ở nước ngoài bao gồm: vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Mỹ, Australia, Singapore); mỳ Chũ được bảo hộ tại 5 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia); mỳ Kế được bảo hộ tại 5 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Thái Lan); gà đồi Yên Thế được bảo hộ tại 3 quốc gia (Lào, Trung Quốc, Singapore).

Tại buổi lễ, các văn bằng bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài đã được trao đầy đủ cho các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Khách tham quan thích thú với sản phẩm vú sữa Tân Yên - sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Ảnh: Đoàn Dung

Sau khi được bảo hộ, đồng nghĩa với danh tiếng được khẳng định, việc tiêu thụ một số sản phẩm nông sản của Bắc Giang rất khả quan. Ví dụ, tổng doanh thu từ vải thiều toàn tỉnh đạt 3.537 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu trung bình đạt 58.000 đồng/kg với các thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc (chiếm 76,5%), bên cạnh các thị trường như Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Hay, sản lượng mỳ Kế và mỳ Chũ tăng đáng kể, đạt 16.150 tấn/năm và đã được xuất khẩu sang Anh, Nga, Pháp, Đức và một số quốc gia châu Á khác.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nước ngoài cho vải thiều Lục Ngạn. Ảnh: Đoàn Dung

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết áp dụng nguyên tắc sản xuất theo chuỗi để bảo đảm đáp ứng được tất cả các khâu, từ con giống, quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu đến đưa ra thị trường. Theo Thứ trưởng, chỉ có bằng cách đó, việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm trên thị trường trong nước và nước ngoài mới phát triển ổn định.

"Trên nguyên tắc đó, tôi đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang tham mưu, tư vấn cho tỉnh lựa chọn sản phẩm chủ lực để phát triển, và quan trọng hơn là đưa ra những nhiệm vụ khoa học và công nghệ để hỗ trợ, tập trung nguồn lực cho quá trình đó. Nếu địa phương không đủ nguồn lực thì báo cáo, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để đưa vào các chương trình [trọng điểm]" - Thứ trưởng Tùng đề nghị.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang sẽ đề xuất UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục ra soát các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng để phát triển nâng cao giá trị.

Đồng thời, ông Kiên cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm triển khai dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm nam núi Dành và đề xuất dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cam Lục Ngạn, dự án sản xuất phân bón chuyên dùng cho cây vải thiều.

Trong khuôn khổ lễ công bố, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang còn tổ chức tọa đàm "Giải pháp phát triển các sản phẩm được bảo hộ trong và ngoài nước" với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, đại diện một số hợp tác xã và hiệp hội. Hội thảo đã trao đổi, giải đáp các vấn đề như nâng cao công nghệ bảo quản mỳ, tăng cường kiểm tra về xâm phạm sở hữu trí tuệ, áp dụng chăn nuôi gà bằng thức ăn có nguồn gốc thảo mộc… nhằm góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.