Do điều kiện địa lý và thổ nhưỡng phù hợp nên vỏ cây quế Thường Xuân có chất lượng cao hơn các vùng khác trong cả nước và nổi tiếng xa gần.

Huyện Thường Xuân có địa hình thấp dần từ Tây Bắc và Tây xuống khu vực phía Đông và phía Nam, chủ yếu là vùng núi cao, độ cao trung bình từ 150m - 700m. Địa hình của khu vực địa lý cắt và đón gió Đông Nam nên lượng mưa cao, nguồn nước dồi dào.

Về khí hậu, khu vực địa lý có điều kiện ánh sáng tốt để cây quế phát triển. Tổng số giờ nắng giao động từ 1600 - 1900 giờ/năm. Tổng nhiệt độ từ 8.000 - 8.600 độ C. Nhiệt độ trung bình từ 22 - 25 độ C. Biên độ nhiệt giao động phổ biến từ 5 - 10 độ C. Tổng lượng mưa từ 1800 - 2200mm. Độ ẩm trung bình năm từ 85 đến 86%.

Về thổ nhưỡng, khu vực địa lý có các loại đất chủ yếu là: Feralit đỏ vàng phát triển trên phiến thạch sét (Fs), thành phần cơ giới nặng, tầng đất dày, đất tốt, không có đá lẫn; đất Feralit đỏ vàng nhạt phát triển trên đá Sa thạch (Fq), thành phần cơ giới thô nhẹ, tầng đất mỏng đến trung bình, có đá lẫn. Đất Feralit vàng đỏ phát triển trên đá macma acid kết tinh chua (Fa), có thành phần cơ giới thô to, kết cấu rời rạc, tầng đất mỏng, nhiều đá nổi, đá lẫn trong tầng đất.

Ảnh: Nongnghiep.
Ảnh: Nongnghiep.

Khu vực địa lý có hệ thống sông bao gồm các sông như sông Chu, sông Khao, sông Đằn chảy dọc trên địa bàn với lưu lượng sông và trữ lượng nước tại các hệ thống hồ ao lớn. Ngoài ra các bí quyết của người dân bản địa trong việc trồng, chăm sóc và khai thác sản phẩm cũng góp phần tạo nên tính chất đặc thù của sản phẩm.

Khu vực địa lý: Xã Vạn Xuân, xã Xuân Lẹ, xã Xuân Chính, xã Xuân Thắng, xã Xuân Lộc, xã Xuân Cẩm, xã Yên Nhân, xã Bát Mọt, xã Lương Sơn, xã Ngọc Phụng, xã Xuân Cao, xã Luận Khê, xã Xuân Thành, xã Luận Thành, xã Thọ Thanh, xã Xuân Dương, thị trấn Thường Xuân thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Quế vốn là cây trồng bản địa ở Thường Xuân. Do điều kiện địa lý và thổ nhưỡng phù hợp nên cây quế ở đây có chất lượng cao hơn các vùng khác trong cả nước và nổi tiếng xa gần. Theo lời kể của những người cao tuổi, sản phẩm quế Thường Xuân mang nhiều công dụng như: Vỏ quế dùng làm các vị thuốc bắc, chế biến ẩm thực, tinh dầu quế dùng để xông, mùn quế được dùng làm mỹ phẩm, dưỡng da... Quế ngọc còn được vua Minh Mạng triều Nguyễn cho khắc vào Nghị đỉnh (trong cửu đỉnh ở kinh thành Huế) và là vật cống phẩm nạp về kinh thành hàng năm.