Những yếu tố tự nhiên như địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn… ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng mật ong bạc hà Mèo Vạc.

Mật ong hoa bạc hà Mèo Vạc là đặc sản quý hiếm chỉ có riêng ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), nơi có loài hoa bạc hà tím biếc tỏa hương thơm dịu nhẹ.

Đặc điểm địa hình

Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

Địa hình của 4 huyện vùng cao chủ yếu là núi đá vôi có xen lẫn núi đất bị chia cắt mạnh, núi cao, vực sâu. Độ cao tuyệt đối phổ biến từ 800 - 1200m so với mặt nước biển. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông Bắc xuống Tây Nam.

Phần lớn diện tích của lãnh thổ thuộc về thượng nguồn của sông Miện và sông Nho Quế với các sườn núi đá vôi có độ dốc lớn và chia cắt mạnh. Có đến 55 - 60% diện tích của vùng là diện lộ của các loại đá vôi. Sự đan xen giữa các diện lộ đá vôi và các loại đá khác đã làm nên ở đây một sự kết hợp hài hòa, đa dạng giữa địa hình gồ ghề, hiểm trở của đá vôi và địa hình thoải, mềm mại của các loại đá khác.

Đá vôi ở cao nguyên Đồng Văn đang ở giai đoạn karst tương đối trẻ. Trên bề mặt các khối núi đá vôi quá trình xâm thực hiện đại diễn ra mạnh mẽ do sự đục khoét của nước tạo nên những khối đá tai mèo lởm chởm. Bề mặt cao nguyên đã bị phá hủy,nhưng các thung lũng còn hẹp và tương đối kín, những núi sót còn chiếm diện tích khá lớn.

Nhìn chung, khu vực địa lý gắn liền với cao nguyên đá Đồng Văn, có nhiều núi đá vôi nằm sát chí tuyến Bắc, có độ dốc rất lớn, địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi đá, thung lũng, sông suối… Độ cao trung bình của khu vực địa lý từ 1.000 - 1.600 m, là nơi phân bố của cây nguồn mật bạc hà dại. Đây chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt về tiểu vùng khí hậu và ảnh hưởng đến điều kiện sinh trưởng của cây nguồn mật bạc hà.

Ảnh: Tuoitre.
Ảnh: Tuoitre.

Điều kiện thổ nhưỡng

Do nằm trên khu vực núi cao, địa hình chia cắt phức tạp, địa chất thuộc cổ sinh và nguyên sinh, đá mẹ là phiến thạch, sa thạch, đá vôi, đá biến chất, đá cát kết, lại thường xuyên có mây mù, ẩm độ cao nên thuận lợi cho quá trình tích lũy mùn.Vật liệu từ đá vôi phong hóa hình thành một loại đất màu đỏ gạch, đất này được phân ra nhiều loại như đất đen, đất Feralit nâu đỏ, đất Feralit nâu thẫm, đất Feralit đỏ nâu…

Sự hình thành các loại đất cũng như đặc tính lý hóa của đất chịu ảnh hưởng rất lớn các điều kiện tự nhiên. Vùng có các loại nhóm đất chính sau: Đất Feralit mùn nâu xám trên núi trung bình phân bố ở độ cao > 700m; Đất Feralit nâu, đỏ vàng phân bố ở độ cao < 700m; Đất Feralit nâu đỏ phát triển trên đá vôi; Đất bồi tụ phù sa dọc theo các thung lũng sông suối.

Đất thích hợp với sự phân bố của cây bạc hà là loại đất núi đá, tầng mặt có kết cấu tơi xốp và thoát nước tốt, đất nghèo chất hữu cơ và ẩm. Điều này phần nào lý giải việc một số xã có núi đất của huyện Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ không có sự phân bố của cây bạc hà vì lượng mưa trong thời gian trên thấp hơn 1200 mm.

Khu vực địa lý có loại đất núi đá, tầng mặt có kết cấu tơi xốp và thoát nước tốt, đất nghèo chất hữu cơ và ẩm, phù hợp với đặc điểm sinh vật học của cây nguồn mật bạc hà.

Điều kiện thủy văn

Trong vùng có 2 con sông chính là sông Nho Quế, sông Miện và mạng lưới sông suối nhỏ khác, phân bố đều khắp trong vùng, thuộc các con suối nhánh của thượng nguồn sông Lô và sông Gâm. Do địa hình chia cắt mạnh, phần lớn là núi cao có độ dốc lớn, nhiều hang động karst nên nguồn nước ngầm vừa hiếm lại phân bố không đều, các con sông, suối, những sông, suối này ở thấp hơn và xa nơi định cư, địa bàn canh tác nên ít có khả năng phục vụ sản xuất và đời sống.

Việc sử dụng nước đối với 4 huyện vùng cao núi đá chủ yếu dựa vào “nước trời” (nước mưa). Ở các xã khu vực núi đá thiếu nước sinh hoạt ngay cả trong mùa mưa, không có nước để canh tác lúa nước nên đồng bào các dân tộc chỉ trồng ngô trên nương. Kết thúc vụ ngô là thời điểm mùa hoa bạc hà nở rộ và bước vào mùa nuôi ong của người dân.

Ảnh: Matongbacha.
Ảnh: VP.

Điều kiện khí hậu

Khí hậu của vùng khá khắc nghiệt, thời tiết có nhiều biến động bất thường, những tháng mùa đông thường có sương muối và mưa phùn, thậm chí có tuy ết và băng giá. Mùa mưa thường có mưa đá, gió lốc, lũ quét gây sạt lở đất, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng.

Khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình năm 20 - 23 độ C, biên độ dao động nhiệt ngày và đêm diễn ra mạnh hơn vùng đồng bằng.

Lượng mưa trung bình năm 1400 mm, nhưng do địa hình karst nên nước mưa nhanh chóng thẩm thấu xuống các hang động ngầm. Lượng mưa lớn nhất rơi vào tháng 7 (có số ngày mưa trung bình là 15 ngày/tháng), tháng có lượng mưa nhỏ nhất là tháng 2. Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng có độ ẩm tương đối cao hầu hết các mùa trong năm. Độ ẩm trung bình tháng cao nhất là 87% (tháng 7), độ ẩm trung bình thấp nhất là 81% (tháng 4), độ ẩm tối thấp tuyệt đối là 18% (xảy ra vào tháng 01/1978).

Trong cùng cao nguyên đá Đồng Văn, khu vực nằm trong vành đai lượng mưa nhỏ hơn 1200 mm hoặc lớn hơn 1600 mm không có hoặc có rất ít cây bạc hà mọc và phát triển.

Khu vực cây bạc hà mọc và phát triển thuộc vành đai mưa dao động từ 1200 - 1600 mm. Lượng mưa từ tháng 5 - 10 từ 1200 - 1600 mm rất thích hợp với thời gian sinh trưởng của cây bạc hà mọc từ tháng 7 và bắt đầu ra hoa từ tháng 10.