Việc lựa chọn khu vực sản xuất, thời điểm trồng, chăm sóc cây quế có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm quế. Quy trình thu hoạch, sơ chế đặc thù là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến đặc thù của sản phẩm quế so với khu vực khác.

Cây quế Thường Xuân gắn liền với tập quán sản xuất và đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Thái tại huyện miền núi này. Cây quế được người dân địa phương rất quý trọng và trở thành cây trồng chủ lực trong hệ thống sản xuất địa phương. Qua quá trình sản xuất, người dân đã đúc rút kinh nghiệm từ hàng trăm năm nay trong các khâu chọn giống, trồng, chăm sóc và khai thác.

Điểm đặc biệt trong kỹ thuật trồng cây

Theo kinh nghiệm trồng quế của người dân địa phương, đối với khu vực rừng á nhiệt đới ẩm như của chúng ta nên theo loại rừng hỗn giao, tận dụng lượng chiếu sáng của vùng đất cũng như độ phì nhiêu bằng các chất lá mục ải khác nhau và hoạt động của giun bọ đất.

Trồng thuần 1 loại thì các chất dinh dưỡng trong đất bị hút kiệt, nhiều chất khác bị bỏ phí. Mặc khác, trong quá trình sinh trưởng khi sâu bệnh sẽ xảy ra lan rộng và khiến rừng quế bị hủy hoại một cách nhanh chóng, điều này không xảy ra với rừng hỗn giao. Đó là ưu điểm của việc trồng xen với các cây khác. Đặc biệt xen cây lương thực lúc này có thể phát huy “cây mát, đất mát, dạ dày mát, đội ngũ vui vầy”, khi cây đã lớn chỉ để thuần quế mới có năng suất cao.

Ảnh: Tuhaoviet.
Ảnh: Tuhaoviet.

Đối với đất trồng có độ dốc thấp, người dân trồng đào hố, đặt cây con, rễ trần theo hướng nằm ngang, rễ hướng về phía thấp hơn. Về mặt khoa học, cách làm này có hiệu quả bởi quế phát triển là nhờ những cái rễ ăn ngang, đón lấy chất màu ở lớp đất mặt để nuôi cây, rễ cọc chỉ đến bám chân, giữ cho cây khỏi đổ. Cần lưu ý lúc lấp đất quanh gốc tránh để thấp hơn xung quanh vì nước đọng lại sẽ gây thối rễ cho cây.

Đối với khu vực có độ dốc lớn, người dân uốn rễ theo chiều ngược lại, rễ hướng về phía đất cao hơn, khi gặp thời tiết bất lợi, mưa nhiều đất bị xói mòn sẽ không bị trôi gốc, làm đổ cây.

Điểm đặc biệt trong kỹ thuật khai thác, sơ chế và bảo quản

Cây quế Thường Xuân thường được người dân khai thác bằng hình thức “khai thác kiệt”, bắt đầu bằng việc bóc vỏ quế thân, đốn hạ cây và bóc lấy vỏ cành, thu lá. Việc bóc vỏ quế tiến hành vào các tháng 4-5 và 7-9.

Vỏ quế sau khi bóc được lau sạch, để nơi khô ráo, thoáng khí cho ráo nước. Điều này giúp cho lớp vỏ ngoài, mặt trong vỏ và 2 đầu cắt được khô trước. Tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào sẽ làm quế khô quá nhanh, quá trình bốc hơi nước sẽ làm quế mất mùi hương, giảm chất lượng. sau 5-7 ngày vỏ quế được phơi dưới nắng nhẹ hoặc dưới mái che trong điều kiện thời tiết khô nóng. Quế sau khi phơi khô sẽ được đóng vào các hòm gỗ có bọc túi polylen hoặc giấy hút ẩm.