Ngoài các yếu tố tự nhiên, chất lượng cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột.

Giống cây trồng

Nghiên cứu đã khẳng định cà phê vối Buôn Ma Thuột thuộc nhóm giống Robusta, có sức sống cao, chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là kích thước hạt và hương vị nước uống cà phê cao hơn nhóm giống Kouillou.


Chương trình chọn lọc giống quốc gia cho cà phê vối (do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chủ trì) đã tạo ra và phổ biến vào sản xuất nhiều giống. Dòng vô tính đã được cải thiện nhiều về kích thước, trọng lượng hạt cũng như khả năng kháng bệnh mà chất lượng nước uống cà phê vẫn không có sự khác biệt với giống cũ. Các giống này đã được sử dụng trong vùng địa danh Buôn Ma Thuột để thay đổi dần cà phê giống cũ chưa qua chọn lọc.

Kỹ thuật canh tác

Sử dụng phân bón

Người trồng cà phê Buôn Ma Thuột rất quan tâm tới việc bón phân cho cây, nhất là phân chuồng và các chất hữu cơ để cải thiện lý tính cũng như độ phì nhiêu của đất. Trung bình lượng phân chuồng dùng để bón là 15-30 m3/ha với chu kỳ 3-4 năm/lần.

Ngoài ra, người trồng còn sử dụng vỏ cà phê ủ hoai cùng với phân chuồng và vôi để bón cho cây cà phê. Các loại phân hữu cơ khác như phân vi sinh hữu cơ, sinh hóa hữu cơ cùng được sử dụng phổ biến. Bên cạnh đó, phân NPK hỗn hợp cũng được sử dụng để bón cho cây. Mức bình quân khoảng 250kg/ha/năm. Việc bón phân đã tạo cho vườn cà phê có năng suất ổn định, góp phần nâng cao chất lượng của cà phê nhân.

Người dân Đak Lak thu hoạch cà phê. Baotainguyenmoitruong.
Người dân Đak Lak thu hoạch cà phê. Baotainguyenmoitruong.

Tưới nước

Do mùa khô kéo dài nên tưới nước là biện pháp kỹ thuật có tác dụng quyết định đến năng suất cà phê. Nguồn nước tưới được lấy từ ao hồ, sông suối, giếng… với lượng nước tưới cho 1 vụ khoảng 2.500-3.000m3/ha. Ngoài ra, tưới nước còn có tác dụng gián tiếp đến chất lượng hạt cà phê nhờ duy trì sinh trưởng bình thường của cây trong tháng mùa khô, mùa thu hoạch tập trung.

Tạo hình và cắt cành

Tạo hình và cắt cành là một trong các biện pháp kỹ thuật mang tính truyền thống của người trồng cà phê ở Buôn Ma Thuôt. Công việc này không những làm tăng năng suất cho cây cà phê mà còn tác động trực tiếp đến chất lượng hạt nhờ tập trung dinh dưỡng để nuôi hạt.

Mật độ khoảng cách, đất đai rừng chắn gió và cây ché bóng

Cây cà phê được trồng với mật độ phổ biến 3 x 3m. Để tạo bóng mát cho cây cà phê, thông thường vườn cà phê thường trồng các loại cây che bóng như keo đậu, muồng đen, sầu riêng, tiêu… Cây che bóng được coi như yếu tố cải thiện chất lượng hạt cà phê nhờ kéo dài thời gian già, chín.

cà phê nhân. Ảnh: Congnghethucphamsach.
Cà phê nhân. Ảnh: Congnghethucphamsach.

Thu hoạch và chế biến

Thời vụ thu hoạch cà phê vối ở Buôn Ma Thuột thường kéo dài từ tháng 10-12. Số lần thu hoạch dao động từ 1-3 lần. Để đảm bảo tỷ lệ quả chín khi thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng cà phê, việc thu hái được chia làm nhiều đợt, sử dụng biện pháp hái lựa quả chín.

Phương pháp chế biến cà phê Buôn Ma Thuột được áp dụng phổ biến là chế biến khô. Quả cà phê sau khi thu hoạch được đem phơi khô tự nhiên trên sân xi măng. Phơi nắng tự nhiên cho quả còn nguyên vẹn, đảm bảo được hương vị tự nhiên của nước uống cà phê về sau, đồng thời không gây nguy cơ nhiễm nước bên trong hạt. Đặc biệt, hiện nay có một số công ty lớn áp dụng phương pháp chế biến ướt có qua ủ lên men làm gia tăng chất lượng hạt được nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài ưu chuộng mua với giá cao.

Với bề dày về truyền thống và tích lũy kinh nghiệm hơn 70 năm của người dân trồng cà phê nơi đây, cà phê Buôn Ma Thuột đã hội đủ các yếu tố bền vững và ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong nền sản xuất hàng hoá của tỉnh Đak Lak (giá trị sản phẩm cà phê hàng năm chiếm 35% GPD và 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh) sản phẩm cà phê vối Robusta đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của tỉnh Đak Lak nói chung, vùng địa danh Buôn Ma Thuột nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.