Nhìn chung, khi xem xét các yêu cầu về khí hậu, thì điều kiện khí hậu tại Trà My rất thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây quế, cũng như thuận lợi cho người dân thu hoạch sản phẩm từ quế.

Với đặc điểm đặc thù về địa hình, đã tạo ra các bức chắn ở các phía Tây Bắc, Tây Nam và Đông Nam bởi các dãy núi như: Ngọc Linh, Lum Heo, Tion, Gle-lang, Mang Cao,… với độ cao trên 1.000 m và địa hình lòng máng mở ra ở phía Đông Bắc đã tạo điều kiện cho sự xâm nhập của khối không khí cực đới biến tính mang thuộc tính lạnh và khô, đồng thời ngăn cản nguồn ẩm lớn phối kết hợp với gió Tây Nam vào mùa hè gây nên hiện tượng ít mưa và khô hạn trên địa bàn.

Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng từ 4.158 - 4.538 mm/năm. Các tháng có lượng mưa thấp nhất là tháng 1, tháng 2, tháng 3 và tháng 4. Các tháng có lượng mưa nhiều nhất là tháng 9, tháng 10, tháng 11 và tháng 12. Vào mùa khô lượng mưa chiếm tỉ lệ từ 25 - 30 % tổng lượng mưa năm, ở các vùng khác trong tỉnh lượng mưa trung bình chỉ đạt từ 531 - 1.004 mm, thì ở hai huyện Nam và Bắc Trà My có lượng mưa cao nhất, lượng mưa trung bình từ 1.314 - 1.893 mm.

Trong mùa mưa, các vùng khác trong tỉnh đạt lượng mưa trung bình từ 1.292 - 2.311 mm thì ở hai huyện Nam và Bắc Trà My có lượng mưa trung bình cũng đạt cao nhất, lượng mưa trung bình từ 1.908 - 2.465 mm.

Người dân Trà My phơi vỏ quế. Ảnh: Baoquangnam.
Người dân Trà My phơi vỏ quế. Ảnh: Baoquangnam.

Ngoài ra, các vùng trong tỉnh có lượng mưa lớn nhất vào tháng 10 thì tại hai huyện Nam và Bắc Trà My lại có mưa lớn nhất vào tháng 11. Như vậy, tại hai huyện Nam và Bắc Trà My có lượng mưa cao hơn và các thời điểm mưa cũng khác các vùng khác trong tỉnh. Đặc biệt tại vùng có địa hình thấp ở phía Đông, lượng mưa trung bình năm thấp hơn nhiều so với vùng đồi núi trong hai huyện Nam và Bắc Trà My.

Tổng lượng mưa trong năm thường cao hơn 2.000 mm và được phân bổ phù hợp với các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây quế. Hàng năm, cây quế có hai mùa sinh trưởng, mùa sinh trưởng chính vào các tháng tháng 3, tháng 4 và mùa sinh trưởng phụ vào các tháng 8, tháng 9.

Vào mùa sinh trưởng trước khi xuất hiện chồi lá non, lượng nước và tinh dầu trong vỏ quế đều tăng lên, vỏ dễ bóc ra khỏi thân, vì vậy đây cũng là mùa khai thác vỏ quế. Trong hai thời kỳ này lượng mưa trong vùng có chiều hướng biến đổi đột ngột từ mùa khô sang mùa mưa, đây là một yếu kích thích quyết định đến hàm lượng nước và sự hình thành tinh dầu trong vỏ quế Trà My.

Về nhiệt độ: Hai huyện Nam và Bắc Trà My có độ cao lớn hơn so với các vùng khác trong tỉnh nên nhiệt độ trung bình có giá trị thấp hơn so với các vùng khác. Nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 23,5 - 25,5oC. Các chỉ số về nhiệt độ trung bình, tối cao, tối thấp và diễn biến nhiệt độ các tháng đều rất phù hợp với các yêu cầu về nhiệt độ của cây quế.

Đặc biệt tại các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây quế nhiệt độ trung bình khoảng 24,5oC, đây là ngưỡng nhiệt độ thích hợp cho sự đâm chồi của quế. Nhiệt độ trung bình của các vùng trồng quế đều nằm trong khoảng 20 - 27oC. Hơn nữa, khi so sánh với các yêu cầu sinh thái, có thể thấy, không có tháng nào trong năm có nhiệt độ trung bình lớn hơn 28oC hoặc nhỏ hơn 19oC, điều đó cho thấy nhiệt độ tại các vùng này thích hợp cao đối với cây quế.

Do sự tăng cao của địa hình nên số giờ nắng trung bình trong năm tại Trà My khoảng 1.800 giờ, còn ở các vùng đồng bằng trong tỉnh khoảng 2.256 giờ. Số giờ nắng có xu hướng giảm dần từ đồng bằng ven biển lên miền núi cao, tức là giảm dần từ Đông sang Tây. Số giờ nắng trung bình các tháng ở mùa hè từ 200 - 255 giờ và dưới 150 giờ trong các tháng mùa Đông. Ở Trà My, tháng có số giờ nắng cao nhất là tháng 5 và tháng 6, tháng có số giờ nắng thấp nhất là tháng 11 và tháng 12.

Ở các vùng đồng bằng tháng có số giờ nắng cao nhất là tháng 5 và tháng có số giờ nắng thấp nhất là tháng 12. Trong năm số giờ nắng tăng nhanh nhất vào tháng 4, tháng 5 và giảm tương đối nhanh từ tháng 10 đến tháng 12 vì đây là giai đoạn chuyển mùa với nhau.

Độ ẩm tương đối biến đổi theo thời gian rõ rệt hơn không gian, vừa biến đổi tuần hoàn theo ngày, tuần hoàn theo năm và có thể biến đổi từ năm này sang năm khác. Độ ẩm tương đối trung bình năm ở Trà My khoảng 87 %, sự chênh lệch giữa độ ẩm các tháng tại Trà My không lớn, dao động từ 1 - 5 %.

Độ ẩm cực đại thường xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, trung bình đạt 88 - 93 % và độ ẩm cực tiểu thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8, trung bình đạt 83 - 84 %. Các vùng khác trong tỉnh thì độ ẩm cực đại trung bình đạt 85 - 89 % và độ ẩm cực tiểu đạt 76 - 82 %. Thời kỳ có độ ẩm cao thường trùng với thời kỳ hoạt động của gió mùa Đông Bắc trong mùa mưa và thời kỳ có độ ẩm thấp trùng với thời kỳ hoạt động của gió mùa Tây Nam trong mùa hè.

Độ ẩm trung bình năm của vùng trồng quế đạt khoảng 84 - 87 %, sự chênh lệch về độ ẩm trung bình giữa các tháng là không lớn, dao động từ 1 - 5 %, trong khi đó sự chênh lệch về độ ẩm trung bình các tháng ở các vùng khác như Đà Nẵng, Tam Kỳ thường dao động từ 8 - 10 %.

Độ ẩm không khí của vùng trồng quế Trà My rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây quế. Tuy nhiên trong mùa mưa (từ tháng 10 đến tháng 12) là các tháng có ẩm cao trên 90 %, điều này ảnh hưởng không nhỏ, gây bất lợi cho cây quế trong quá trình quang hợp, nấm và địa y phát triển mạnh trên thân quế, dẫn đến một đặc trưng riêng của cây quế Trà My là nhiều nấm, địa y và bệnh tua mực.

Lượng bốc hơi tại hai huyện Nam và Bắc Trà My thường thấp hơn so với các vùng khác trong tỉnh. Tổng lượng bốc hơi trung bình năm từ 650 - 850 mm, chỉ bằng một phần năm lượng mưa trung bình năm, còn ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh có tổng lượng bốc hơi trung bình năm từ 1.000 - 1.100 mm. Vì lượng bốc hơi có xu hướng giảm dần theo hướng Đông - Tây. Giá trị cực đại của lượng bốc hơi là vào tháng Tư và tháng Năm (bằng cho đến lớn hơn 74 mm) và cực tiểu vào tháng 11 và tháng 12 (nhỏ hơn 29 mm).

Như vậy, so với yêu cầu về lượng ẩm cần thiết cho sự phát triển, hình thành tinh dầu của cây quế thì lượng bốc hơi thấp của vùng là một yếu tố thuận lợi quyết định đến chất lượng quế. Ngoài ra, lượng bốc hơi thấp, tạo nên vùng ẩm độ cao trong đất, đây là một trong những yếu tố khá đặc thù về yếu tố khí hậu có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây quế.

Do vị trí địa lý nên hướng gió ở Trà My không phản ánh đúng theo cơ chế của hoàn lưu, chi phối hướng gió và tốc độ gió, tuy nhiên hướng gió vẫn biến đổi theo mùa rõ rệt và rất phân tán nên không có hướng thịnh hành. Tốc độ gió trung bình năm tại Trà My đạt dưới 1.0 m/s, còn ở những nơi khác trên địa bàn tỉnh thì tốc độ gió nằm trong khoảng từ 1.5 - 2.0 m/s, tốc độ gió trung bình giảm dần từ đông sang tây.