Hồng là loại cây ưa khí hậu ôn đới, á nhiệt đới, không chịu được nhiệt độ quá thấp, càng không chịu được nhiệt độ quá cao. Trong thời gian nghỉ Đông cây cần nhiệt độ tương đối lạnh để cho năng suất cao.

Trong thời kỳ sinh trưởng, cây hồng không hạt cần nhiệt độ từ 20 – 30 độ C, tốt nhất là từ 22 – 26 độ C, nhiệt độ cần để nảy mầm là 13 – 17 độ C, nở hoa 20 – 22 độ C, quả lớn 26 - 27 độ C, khi quả chín cần nhiệt độ thấp hơn.

Ở nhiệt độ thấp dưới 20 độ C, biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn (15 – 20 độ C), cho chất lượng quả tốt và có mã đẹp. Lượng mưa hàng năm thích hợp từ 1200 - 2100 mm.

Hồng không hạt rất thích sinh trưởng ở vùng khí hậu ôn đới, á nhiệt đới.
Hồng không hạt rất thích sinh trưởng ở vùng khí hậu ôn đới, á nhiệt đới. Ảnh: NLD.

Đặc điểm khí hậu của khu vực địa lý sản xuất hồng hoàn toàn phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây hồng. Cụ thể:

Khu vực Bảo Lâm – Cao Lộc, có chế độ khí hậu đặc trưng bởi nền nhiệt độ tương đối thấp, nhiệt độ trung bình năm khoảng 21,2 độ C. So với yêu cầu sinh thái về nhiệt của cây hồng đặc sản là 20 - 27 độ C thì đây là vùng khá thích hợp. Có năm nhiệt độ xuống dưới 0 độ C nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Đặc biệt mùa Đông nhiệt độ thấp nhất (12 - 15 độ C) vào tháng 1 là điều kiện rất tốt cho cây hồng ngủ Đông và phân hóa mầm hoa cho vụ quả sau.

Biên độ nhiệt độ ngày đêm ở khu vực đia lý vào thời kỳ quả chín (tháng 9) là 8 - 8,9 độ C. Đây là chỉ tiêu rất quan trọng có ảnh hưởng đến chất lượng, vị thơm của quả hồng, sẽ quyết định lượng chất khô và hàm lượng các chất dinh dưỡng được tích luỹ trong quả. Biên độ nhiệt độ ngày đêm càng lớn, hàm lượng các chất được tích luỹ càng lớn.

Lượng mưa trung bình năm là 1392 mm. Vào các tháng của giai đoạn quả chín (tháng 9,10), lượng mưa ở khu vực là 242,7 và 225,5 mm. Độ ẩm không khí trung bình năm là 82%. Vào các tháng của giai đoạn quả chín khu vực có độ ẩm thấp (75 - 81%).

Biên độ nhiệt ngày đêm cao cùng độ ẩm và lượng mưa thấp trong giai đoạn quả chín đã góp phần duy trì các chất dinh dưỡng trong quả, quả có hình thức đẹp hơn.