Điều kiện khí hậu của khu vực địa lý rất phù hợp cho sự phát triển của chôm chôm, lượng mưa vào mùa khô thấp, rất thuật lợi cho quá trình ra hoa chôm chôm.

Về mặt sinh thái, cây chôm chôm thích hợp với nhiệt độ từ 22 - 30 độ C, chôm chôm không chịu được rét, dưới 10 độ C thì cây sinh trưởng chậm. Khi nhiệt độ trên 40 độ C thì cây rụng hoa, rụng quả rất nhiều. Lượng mưa và độ ẩm rất quan trọng, nhất là thời gian phát triển quả cần rất nhiều nước. Lượng mưa hàng năm trên 2.000mm, phân bố đều trong năm thích hợp cho cây chôm chôm phát triển.

Nếu lượng mưa đầu đầu mùa nhiều làm màu sắc quả không đẹp và gây hiện tượng nứt quả trên chôm chôm cho quả sớm, nhất là giống chôm chôm có vỏ quả mỏng. Cây cần khô hạn khoảng 1 tháng để hình thành mầm hoa, nếu mưa nhiều chỉ kích thích ra lá. Nhưng khô hạn vào thời kỳ thụ phấn, thụ tinh hoặc quả phát triển thì quả rụng nhiều, quả nhỏ, ảnh hưởng đến phẩm chất quả, nên cầy cần được tưới nước bổ sung.

1

Chôm chôm là cây ưa ánh sáng trực xạ, ánh sáng có ảnh hưởng tới sự chuyển biến màu của vỏ quả, do sự chuyển biến của sắc tố anthocyanins, quả ở ngoài sáng đỏ tươi, đẹp hơn quả trong bóng rợp.

Khí hậu của tỉnh Đồng Nai nói chung là khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Khoảng kết thúc mùa mưa kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12.

Khu vực trồng chôm chôm Long Khánh có tổng lượng mưa cả năm dao động từ 1.630 - 2.190mm (trung bình 1.910mm), phân bố tập trung ở khu vực Đông Bắc và giảm dần theo hướng Tây Nam. Nằm cùng dãy tiểu vùng phân bố lượng mưa với khu vực lân cận (Bình Thuận, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh), chênh lệch tiểu vùng phân bố lượng mưa với tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh.

Nhiệt độ trung bình cả năm chênh lệch không lớn, dao động từ 25,4 - 26,6 độ C (trung bình 26,1 độ C), có xu hướng thấp dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Nhiệt độ trung bình dao động từ 26 - 27,6 độ C (trung bình 26,8 độ C), cao hơn so với vùng trồng chôm chôm đồng bằng sông Cửu Long từ 0,5 - 0,7 độ C. Ngược lại, nhiệt độ mùa mưa vùng Long Khánh thấp hơn và có giá trị trung bình dao động từ 25 - 26 độ C.

Ảnh: Phunungaynay.
Ảnh: Phunungaynay.

Độ ẩm trung bình cả năm của khu vực này dao động từ 78,5 - 83 %. Phân bố giá trị thấp ở phía Tây Bắc và cao ở phía Đông Nam, nằm cùng dãy độ ẩm với các tỉnh lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Vào mùa khô, độ ẩm trung bình dao động từ 72,5 - 78,5% và mùa mưa có giá trị dao động từ 84 - 86,5%.

Tổng lượng bốc hơi trung bình năm dạo động từ 1.030 - 1.240mm. Giá trị cao ở phía Đông Bắc và giảm dần về phía Tây Nam, cùng dãy phân bố lượng bốc hơi với tỉnh Bình Thuận, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Vào mùa khô, tổng lượng bốc hơi dao động từ 540 - 610mm. Tổng lượng bốc hơi trung bình mùa mưa dao động từ 480 - 650mm.

Tổng số giờ nắng trung bình năm dao động từ 2.330 - 2.600 giờ. Số giờ nắng mùa khô dao động từ 880 - 1.120 giờ, đến mùa mưa, tổng số giờ nắng dao động từ 1.400 - 1.590 giờ.