Điện Biên nằm trong vùng Tây Bắc Việt Nam có lịch sử phát triển địa chất lâu dài và cấu trúc kiến tạo phức tạp. Chính điều này đã góp phần nâng cao năng suất gạo Điện Biên.

Điện Biên là tên của một tỉnh miền núi - biên giới Việt Nam, nằm ở khu vực Tây Bắc, có tọa độ địa lý 20 độ 54’ - 22 độ 33’ độ vĩ Bắc, 102 độ 10’ - 103 độ 56’ độ kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu; phía Đông - Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với đường biên giới dài 38,5 km; phía Tây - Tây Nam giáp tỉnh Luông Pha Băng và Phong Sa Lỳ của Lào, với đường biên giới dài 360 km.

Khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý Điện Biên bao gồm xã: Thanh Minh, phường Nam Thanh, phường Thanh Trường, phường Him Lam, phường Noong Bua thuộc thành phố Điện Biên Phủ; xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn, Thanh Nưa, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luông thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (Tài liệu bổ trợ số 2).

Điều kiện địa hình, địa mạo

Điện Biên nằm trong vùng Tây Bắc Việt Nam có lịch sử phát triển địa chất lâu dài và cấu trúc kiến tạo phức tạp. Với trên 80% đất đai là đồi núi, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, mức độ chia cắt ngang và chia cắt sâu lớn; được cấu tạo bởi những dãy núi cao và các thung lũng, sông suối nhỏ, hẹp và dốc phân bố khắp nơi trong địa bàn tỉnh.

Xen giữa núi và cao nguyên là các thung lũng hoặc lòng chảo có bề mặt tương đối bằng phẳng, những dạng địa hình này chiếm phần diện tích không lớn. Rộng nhất là khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ với bề mặt bằng phẳng, có nguồn gốc tích tụ trầm tích tạo nên cánh đồng Mường Thanh.

Đất đai tỉnh Điện Biên phong phú, đa dạng với nhiều quá trình hình thành khác nhau, trong đó có một diện tích lớn đất phù sa (12.622,13 ha). Tại vùng lòng chảo Mường Thanh, khu vực sản xuất gạo Điện Biên là khu vực tập trung đất phù sa lớn nhất, được bồi đắp bởi sông Nậm Rốm và Nậm Núa.

Cánh đồng lúa ở Điện Biên. Ảnh: Dienbienphu-land.
Cánh đồng lúa ở Điện Biên. Ảnh: Dienbienphu-land.

Địa hình được cấu tạo bởi những dãy núi cao và các thung lũng, sông suối nhỏ, hẹp và dốc phân bố khắp nơi trong địa bàn tỉnh. Khu vực địa lý trồng lúa được gọi là “lòng chảo Mường Thanh”, đó là một khu vực lòng chảo có địa hình bằng phẳng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi thượng nguồn sông Mã và sông Nậm Rốm, đỉnh cao nhất là Pú Huổi Luông (2.178m), núi Pho Thông (1.908m), Nậm Khẩu Hú (1.747m), dãy núi Hồ Nậm Nghèn (1.395m).

Do là một thung lũng lớn, dạng hình lòng chảo mở rộng, xung quanh có núi cao bao bọc nên lòng chảo Điện Biên có 3 dạng địa hình chính:

Phần lòng chảo có độ cao từ 450 - 550 m, nghiêng dần từ Bắc xuống Nam và thấp dần từ 2 bên chân núi xuống sông Nậm Rốm nằm giữa (đây là vùng sản xuất lúa chính).

Rìa lòng chảo có dạng địa hình đồi bát úp, độ cao trung bình từ 550 - 650m.
Tiếp lên đến là dạng địa hình núi thấp từ 600 - 1000m.

Độ dốc trung bình của lòng chảo từ 3 - 5 độ, của địa hình đồi dốc từ 10 - 25 độ, của địa hình núi dốc từ 20 - 30 độ.

Khu vực lòng chảo Mường Thanh sản xuất gạo Điện Biên nằm ở độ cao 450 - 550m, có độ dốc 3 - 5 độ, nghiêng dần từ Bắc xuống Nam, do đó diện tích ruộng trồng lúa thoát nước tốt, hệ thống thủy lợi hoàn toàn là trọng lực (tự chảy).