Chính những điều kiện thuận lợi về địa hình, địa mao đã giúp tăng năng suất chất lượng ngán Quảng Ninh.

Vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng là một điển hình trên thế giới về quá trình phát triển cảnh quan địa mạo karst nhiệt đới trải qua gần 500 triệu năm với các quá trình tích tụ trầm tích, tạo đồng bằng cổ, vận động tạo sơn, uốn nếp, biển tiến, biển thoái, mài mòn, hòa tan đá vôi bởi nước (Nguyễn Chu Hồi, 2005).

Nguyễn Hiệu khi nghiên cứu về sự phát triển về địa chất - địa mạo của khu vực vịnh Hạ Long cho thấy đây là vùng có một quá trình tiến hoá karst đầy đủ nhờ sự kết hợp đồng thời giữa các yếu tố như tầng đá vôi rất dày, khí hậu nóng ẩm và quá trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể. Quá trình đó đã tạo ra cho khu vực này tính đa dạng và những nét đặc trưng của địa hình karst, bao gồm cả địa hình karst trên mặt và địa hình karst ngầm.

Trong vùng núi sát biển, do móng được nâng mạnh nên các dòng chảy chủ yếu đào khoét lòng, tạo điều kiện hình thành các sườn xâm thực. Địa hình thềm sông và bãi bồi chỉ phát triển rộng dọc các thung lũng kiến tạo và trên dải đồng bằng.

Trên các dòng chảy ở vùng hạ lưu, do đặc điểm thủy triều và cấu trúc kiến tạo mà dòng chảy ở cửa sông có đặc trưng độc đáo, đó là sự hình thành nhiều vùng đầm lầy dọc cửa sông và phát triển rộng nhờ sự tác động của thủy triều ở các cửa sông.

Phần rìa giáp với các vách xâm thực, các trầm tích hạt nhỏ được phủ một lớp cát do tái tích tụ cát biển của các bề mặt cổ hơn. Do đó, tại khu vực tiếp giáp với các dãy núi đổ ra biển hoặc đất liền giáp biển thì thành phần chủ yếu là cát pha sét trên bề mặt cứng của các lớp đá cổ với độ dày không lớn (khoảng vài chục cm).

Địa hình khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh.
Địa hình khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh.

Đối với vùng bãi lầy có sự lên xuống của thủy triều, cấu tạo nên bề mặt này chủ yếu là bột sét lẫn cát, giàu vật chất hữu cơ. Quá trình hình thành các bãi lầy ngập nước ven biển này thuộc quá trình biển hiện đại gồm các dạng địa hình khá đặc trưng là bãi biển tích tụ, bãi biển tích tụ - mài mòn, nền mài mòn hiện đại và các vách mài mòn.

Đa dạng địa hình và cảnh quan tự nhiên bắt nguồn từ đa dạng địa chất là nền tảng cho dạng sinh học cao. Khu vực Quảng Ninh có các hệ sinh thái rất đa dạng ở ven bờ, trên đảo và dưới biển, trong đó có các hệ sinh thái tiêu biểu như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái đặc biệt.

Ngoài ra, sự đa dạng về môi trường trầm tích đã trải qua những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau, qua nhiều lần sụt chìm - biển tiến và tạo sơn - biển thoái. Các bậc thềm biển nâng cao, các bề mặt phân bậc dưới đáy vịnh, các dòng sông cổ ngập chìm, hang động và trầm tích hang động, các ngấn biển cổ và bệ hầu hà nằm cao trên vách đá, tạo ra môi trường trầm tích hiện đại và cũng hết sức đa dạng với những nét tiêu biểu và độc đáo.

Địa hình đáy biển khu vực có ngán tại tỉnh Quảng Ninh là khá tương đồng với đặc điểm sau: Mặt đáy không bằng phẳng, độ sâu trung bình là 20m, diện tích lưu vực thông thường không quá 300 km2, trong đó có 4 con sông lớn là hạ lưu sông Thái Bình, sông Ka Long, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ.

Trên nền tảng địa chất - địa mạo như vậy, con ngán ở Quảng Ninh được phân bố ở những khu vực bãi lầy, cửa các con sông ngắn dốc, có dòng chảy lớn và vùng triều rộng trải dài cộng với biên độ nước lớn và nước ròng trong tháng cao hơn hẳn so với các khu vực khác. Những điều này tạo điều kiện để hình thành lên một khu vực đất ngập nước ven biển trải dải ra theo hướng thềm lục địa chạy ra biển. Ngoài ra, lưu lượng và lưu tốc các con sông này rất khác biệt giữa các mùa.

Ngán mới đánh bắt. Ảnh: Zing.
Ngán mới đánh bắt. Ảnh: Zing.

Vào mùa đông, các sông cạn nước, có chỗ trơ ghềnh đá nhưng mùa hạ lại ào ào thác lũ, nước dâng cao rất nhanh. Lưu lượng mùa khô 1,45 m3/s, mùa mưa lên tới 1500 m3/s, chênh nhau 1.000 lần. Trên thực tế, khá nhiều nhiều người khẳng định các con sông tại Quảng Ninh có tốc độ dòng chảy nhanh (62,3) . Đây chính là tiền đề hình thành lên bãi bùn ngập nước ven biển dày từ đó hình thành nên một hệ sinh thái Rừng ngập mặn ven biển phong phú tại Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, với bãi đất ngập nước rộng lớn như vậy tạo điều kiện hình thành nên một khu vực ven biển với lớp bùn đáy dày (0,5-1,5m), có độ mặn khá cao (từ 20 - 30) so với các vùng của sông châu thổ nhưng lại không quá cao như các bãi bồi ven chân đảo là cơ sở cho các loại thực vật cũng như động vật phù du của khu hệ sinh thái đất ngập nước ven biển phát triển phong phú và đa dạng.

Hơn nữa, vùng biển Quảng Ninh thuộc vịnh Bắc Bộ là vịnh nông, lại có hệ thống đảo chắn gió và sóng nên thuận lợi cho quá trình lắng đọng phù sa, tạo nên các bãi triều rộng. Chính điều này đã tạo điều kiện cho việc mang một lượng phù sa ra các bãi bồi ven biển và lượng phù sa được lưu giữ lại hình thành các vùng bãi lầy có mức độ mùn cao, mềm và đa dạng về trầm tích.