Khu vực địa lý có địa hình bán sơn địa, chủ yếu là các đồi thấp và tương đối bằng phẳng, độ cao tuyệt đối trung bình dao động từ 10-50 m so với mực nước biển là điều kiện tốt để bưởi Luận Văn sinh trưởng và phát triển tốt.

Đất của vùng trồng bưởi Luận Văn được hình thành một các rõ rệt trên sản phẩm phong hóa của các loại đá mẹ và mẫu chất tích tụ từ tác động của sông - biển: đá gabro, đá phiến, đá vôi, sản phẩm dốc tụ của các loại đá phiến - cát kết - gabro, phù sa cổ, phù sa mới...

Bưởi Luận Văn.
Bưởi Luận Văn. Ảnh: Caygiongdacsan.

Bưởi Luận Văn được trồng trên 2 loại đất: Đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất, đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng, tầng đất mặt dày  30 cm, tơi xốp và ẩm. Các chỉ tiêu nông hóa của đất như pHKCl trung bình 4,48, K2O trung bình 6,36 (mg/100g), P2O5 trung bình 7,42 (mg/100g), NTP trung bình 4,21 %.

Trên đất trồng bưởi, tầng đất mặt là nơi rễ bưởi sinh trưởng và phát triển. Nghiên cứu phẫu diện đất cho thấy, tầng đất mặt của vùng chất lượng bưởi Luận Văn đặc thù dày, xốp và ẩm hơn vùng chất lượng không đặc thù.

Các chỉ tiêu nông hóa đất như Đạm thủy phân (N), Lân dễ tiêu (P2O5), Kali dễ tiêu (K2O), pHKCl và Mùn có sự khác nhau về mặt ý nghĩa thống kê giữa 2 vùng bưởi chất lượng đặc thù và vùng chất lượng bưởi không đặc thù.

Đặc biệt, pHKCl đất tương quan nghịch với độ Brix, Đường tổng số và Caroten vỏ quả; pHKCl tương quan thuận với đường kính và chiều cao quả. Độ chua pHKCl thích hợp nhất tại vùng có chất lượng bưởi Luận Văn đặc thù nằm trong ngưỡng 4,32 – 4,94.